Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước: Đoàn viên ĐHQGHN xem phim lịch sử để thêm yêu Tổ quốc

Tối 23/4/2025, tại Hà Nội, Đoàn Thanh niên Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức chương trình sinh hoạt truyền thống kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) dành cho đoàn viên, sinh viên các trường thành viên, trực thuộc.

ĐHQGHN hướng về Chiến thắng 30/4

140 sinh viên tiêu biểu đến từ Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐH Công nghệ, Trường Quốc tế, Trường ĐH Y Dược, … đã cùng nhau ôn lại chặng đường đấu tranh hào hùng của dân tộc qua bộ phim “Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối”. Bộ phim tái hiện tinh thần kiên cường, sáng tạo của quân và dân miền Nam, đặc biệt là “kỳ quan quân sự” hệ thống địa đạo vang danh lịch sử.

Buổi sinh hoạt hôm nay là sự khởi đầu cho chuỗi hoạt động “Tuổi trẻ ĐHQGHN - 50 năm thống nhất non sông”, bao gồm nhiều hoạt động ý nghĩa khác như đăng cai sự kiện ánh sáng soi đường, cùng nhiều sự kiện do các chi đoàn đơn vị tổ chức như triển lãm ảnh, tọa đàm chuyên đề lịch sử, hành trình về nguồn, chương trình nghệ thuật khúc tháng ca hòa bình và các cuộc thi tìm hiểu truyền thống cách mạng diễn ra trong suốt tháng 4.

ĐHQGHN hướng về Chiến thắng 30/4 1

Phát biểu tại chương trình, đồng chí Hứa Thanh Hoa - Bí thư Đoàn Thanh niên ĐHQGHN cho biết: 140 đoàn viên của Đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội đã cùng nhau trải qua 128 phút với Địa đạo -  bộ phim lịch sử tái hiện những năm tháng khốc liệt tại địa đạo Củ Chi, sự tàn bạo của chiến tranh và những nỗi khổ của người dân và những người chiến sĩ ngày ấy.

Địa đạo không chỉ là công trình quân sự, mà là chứng tích sống động về một thời đại mà lòng yêu nước không cần phải nói bằng lời, mà được thể hiện bằng mồ hôi, nước mắt và máu xương. Dưới lòng đất ấy, con người vẫn sống, vẫn yêu, chiến đấu, không chỉ để tồn tại, mà để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Những thước phim chân thực, những câu chuyện lặng lẽ dưới lòng đất sâu hun hút đã khiến chúng tôi cùng khóc, cùng cười với từng nhân vật.

“Chúng ta trải nghiệm bộ phim này hôm nay, đều sinh ra trong hòa bình, lớn lên trong những điều kiện đầy đủ hơn, nhưng tình yêu nước thì không phân thời đại. Xem phim không chỉ để biết, mà là để hiểu. Không chỉ để xúc động, mà là để hành động - Bí thư Đoàn Thanh niên, Hứa Thanh Hoa bày tỏ.”

Đồng chí Bí thư Đoàn ĐHQGHN kỳ vọng và mong mỏi mỗi sinh viên ĐHQGHN, mỗi bạn trẻ sẽ là một “đại sứ” để kể lại cho bạn bè mình nghe về những gì bạn đã thấy, đã cảm nhận, để từ đó tình yêu nước không chỉ nằm trong tim mỗi người, mà được thắp sáng trong cộng đồng, trong từng hành động nhỏ mỗi ngày, để người trẻ thêm yêu truyền thống, hiểu lịch sử và tự hào về đất nước ta, dân tộc ta một dân tộc đầy anh dũng và kiêu hùng.

Tuổi trẻ ĐHQGHN cần biến niềm tự hào ấy thành hành động cụ thể: học tập, nghiên cứu, khởi nghiệp sáng tạo và tích cực cống hiến cho cộng đồng, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh.
Kết thúc buổi chiếu phim lịch sử, nhiều sinh viên bày tỏ sự xúc động khi được tham gia hoạt động ý nghĩa này. Bộ phim đã tái hiện lại cuộc chiến tranh tàn khốc của dân tộc ta đã trải qua và qua đó, giúp sinh viên cảm nhận hơn được lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ đi trước và khẳng định quyết tâm rèn luyện, phát triển tri thức để tiếp nối hành trình dựng xây, phát triển đất nước.

Đại diện sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, bạn Nguyễn Linh Chi chia sẻ, là sinh viên Khoa Ngôn ngữ và đã được trực tiếp đến thăm Địa đạo Củ Chi, nay Đoàn ĐHQGHN tổ chức cho sinh viên được xem bộ phim ý nghĩa này, giúp sinh viên hiểu thêm những hy sinh thầm lặng nơi lòng đất và càng trân trọng hòa bình hiện tại. Là thế hệ trẻ của ĐHQGHN, mỗi sinh viên sẽ cố gắng học thật tốt để xứng đáng với kỳ vọng của các thế hệ đi trước.

Chương trình sinh hoạt truyền thống không chỉ là dịp giáo dục lịch sử, mà còn lan tỏa nhiệt huyết cống hiến, khơi dậy trách nhiệm của tuổi trẻ ĐHQGHN trong kỷ nguyên hội nhập hôm nay.

Trong những năm chống Mỹ cứu nước, từ giảng đường Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là ĐHQGHN đã có 1.333 cán bộ và sinh viên “xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ”. Họ đã dũng cảm chiến đấu vì Tổ quốc; 64 anh hùng đã ngã xuống trên chiến hào, làm nên một “Dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” như Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Trọng Định, Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Kim Giao, ... Tên tuổi của họ mãi mãi ghi vào truyền thống lịch sử của Nhà trường, như một Thiên Anh hùng ca của những năm tháng kháng chiến mà mọi thế hệ sinh viên tiếp theo không thể quên.

 
ĐHQGHN hướng về Chiến thắng 30/4 4

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiều chiến sĩ (trong số đó, không ít người mang thương tích trên mình) lại trở về trường học tập. Họ trở thành những cán bộ công tác ở nhiều lĩnh vực. Rất nhiều người trở thành những nhà khoa học có tên tuổi, đóng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng Đất nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

>> Theo: ĐHQGHN

Tin bài liên quan:

Sống lại thời khắc lịch sử của dân tộc cùng Khúc tráng ca hòa bình

“30/4 – Biểu tượng của hòa bình, độc lập và khát vọng vươn lên”

Bài viết khác

“30/4 – Biểu tượng của hòa bình, độc lập và khát vọng vươn lên”

Sống lại thời khắc lịch sử của dân tộc cùng Khúc tráng ca hòa bình

Đại hội Đảng bộ Trung tâm Quản lý đô thị đại học lần thứ II, nhiệm kỳ 2025-2030

Gắn kết yêu thương cùng Ngày hội Gia đình VNU lần thứ III - năm 2025

Tích cực chuẩn bị chương trình văn nghệ chào mừng Đại hội Đảng bộ Trung tâm Quản lý đô thị đại học

Chi bộ 2 thuộc Đảng bộ Trung tâm Quản lý đô thị đại tổ chức Lễ kết nạp đảng viên mới

Khu đô thị ĐHQGHN chỉnh trang cảnh quan chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ ĐHQGHN lần thứ VII, nhiệm kỳ 2025-2030!

Tuổi trẻ Trung tâm Quản lý đô thị đại học: Đoàn kết - Sáng tạo - Tiên phong

Hưởng ứng tháng thanh niên với chương trình "Ký túc xá xanh"

Chi bộ 1 và Chi bộ 2 Trung tâm Quản lý đô thị đại học tổ chức Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027