Sống lại thời khắc lịch sử của dân tộc cùng Khúc tráng ca hòa bình
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), tối 24/4/2025, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Khúc tráng ca hòa bình”.

Sự kiện được triển khai nhằm hướng tới việc giáo dục lý tưởng cách mạng, nâng cao nhận thức lịch sử và khơi gợi tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội cho đội ngũ giảng viên và sinh viên. Bên cạnh các giảng viên, sinh viên của ĐHQGHN, chương trình còn có sự góp mặt của các cựu chiến binh - những người đã trực tiếp cầm súng, anh dũng chiến đấu trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Phát biểu tại sự kiện, Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQGHN, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu chia sẻ: "Hàng triệu người Việt Nam đã mang theo giấc mơ bình dị nhưng cháy bỏng, hy sinh tuổi trẻ, hy sinh cả cuộc đời mình cho đất nước, cho hòa bình, thống nhất và độc lập. Trong số hàng triệu con người ấy, có biết bao nhiêu người là sinh viên và cả giảng viên đã tạm biệt mái trường đại học để ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Và biết bao nhiêu người đã ngã xuống...".

Thưởng thức đêm nhạc "Khúc tráng ca hòa bình", khán giả được sống lại trong những thời khắc lịch sử, cảm nhận được khát vọng cháy bỏng mà biết bao thế hệ đã hy sinh cuộc đời mình vì thống nhất non sông.
"Chính di sản tinh thần vô giá đó là nguồn sức mạnh vô cùng quan trọng, là nền tảng bền vững nhất để đất nước hôm nay chuyển mình bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu khẳng định.

Chương trình nghệ thuật cấu trúc gồm 3 chương. Chương đầu tiên với tên gọi "Khát vọng hòa bình" đã tái hiện lại những thời khắc lịch sử bi hùng của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến từ năm 1945-1975. Từng giai điệu đã đưa cảm xúc người xem từ xúc động đến tự hào qua các tiết mục như: “Hồn sử xanh”, “Dậy mà đi”, “Tiến về Sài Gòn.”
Chương thứ hai với tên gọi "Tái thiết trên tro tàn" đưa khán giả bước vào thời kỳ sau khi chiến tranh kết thúc, mở ra hành trình tái thiết đất nước trong giai đoạn từ năm 1975-2000. Ngoài những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, điểm nhấn ở phần này là chia sẻ đầy xúc động của các cựu chiến binh. Trở lại sau cuộc chiến bảo vệ đất nước, họ đã không ngừng học tập và bền bỉ cống hiến.
Chương cuối cùng với tên gọi "Kỷ nguyên vươn mình", một bản hoan ca của tuổi trẻ dành cho Việt Nam hôm nay đã được biểu diễn. Tất cả các tiết mục ca múa đều mang đến không khí rộn ràng, tươi mới, thu hút người xem.

Bày tỏ những nỗi niềm xúc động cũng như hào khí Đông A của dân tộc, nhiều sinh viên tham dự đêm nhạc chia sẻ: “Khúc tráng ca hòa bình" không chỉ là đêm biểu diễn nghệ thuật sống động mà còn là sự tưởng nhớ, là tấm lòng của thế hệ hôm nay đối với các thế hệ cha anh đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Từ "Dậy mà đi", "Người chiến sĩ ấy", "Tiến về Sài Gòn" đến "Đất nước trọn niềm vui", từng ca khúc đều được các giảng viên, sinh viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật đã tái hiện một cách sống động trong chương trình "Khúc tráng ca hòa bình". Qua những giai điệu da diết, khán giả được trở về những năm tháng kháng chiến gian khổ, tới thời khắc đất nước hòa bình và cuối cùng là hành trình Việt Nam hội nhập, chuyển mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
>> Theo: ĐHQGHN
Tin bài liên quan:
- Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước: Đoàn viên ĐHQGHN xem phim lịch sử để thêm yêu Tổ quốc
- “30/4 – Biểu tượng của hòa bình, độc lập và khát vọng vươn lên”